Sống Một Đời - Để Thương Nhớ Một Thời
......................................Nhã Uyên
........Ôi " MỘT NGÀY NHƯ MỌI NGÀY". Đó là câu quen thuộc mà tôi phải thốt ra sau mỗi chiều tan học. Dạo này Durant đã bắt đậu thay đổi, trời lành lạnh trong mùa đông về.
........Trên con đường trở về North Hall , một nơi chốn mà tôi phải cố quen thuộc, co ro trong chiếc manteau, nói nói cười cười mà sao thấy mình vẫn xa vắng. Tự nhiên tôi thích đi một mình, táchra khỏi những ồn ào mà bình thường tôi vẫn tham dự. Đi một mình để nhớ một tí về Sài Gòn, để khỏi thấy mình đẫ thay đổi dù đó chỉ là những manh nha trong đầu óc. Nhiều lần tôi đã hối hận vì điều đó, nhưng biết làm sao hơn hả Tùng, dù sao tôi cũng chỉ là con gái và con gái thì làm sao mà đối phó được với những khó khăn bên ngoài. Miên man với những ý nghĩ rời trong đầu óc, thọc tay trong túi, dưới những hàng cây Pecan, với những cơn gió buốt tận da thịt, tự nhiên thoáng nghĩ được trở về Việt Nam, nhìn lại đường Duy Tân, gặp lại Tùng rồi chết cũng cam. Nhưng làm sao bây giờ, khi đời sống này không còn là của riêng tôi, khi tôi còn là một lệ thuộc cần thiết của gia đình. Tôi đã khổ sở nhiều lần vì cái yếu đuối của mình, đó là điều tôi còn ân hận, còn ray rứt trong suốt cuộc đời còn lại này.
........Con đường về North Hall nay trông tiêu điều lạ, có phải là người buồn cảnh có vui đâu bao giờ không nhỉ? Ôi North Hall kia kìa, sừng sững nhưng chẳng đẹp tí nào. Nhà tôi đấy ư, nơi tôi ở trong bốn năm đấy ư. Vượt ba tầng cầu thang, nhìn căn phòng quen thuộc, quen thuộc nhưng không dễ yêu. Thế có đáng buồn cho tôi không?
........Tối nay lại phải đi xem văn nghệ. Văn nghệ mà dùng chữ phải nghe có vẻ ép buộc quá. Khổ ghê, tôi biết tôi không phải là người mẫu của đám đông, hơn nữa tôi chỉ thích thu mình trong một khuôn khổ thật hạn hẹp, chừa đủ cho tôi và một vài người thân. Hạnh phúc là đó, niềm mơ ước của tôi thật đơn giản, tầm thường mà sao không bao giờ tôi được hưởng. Ngồi nhìn thiên hạ hát, người này lên, người kia xuống mà đầu óc tôi để đâu đâu. Lại nhớ về Sài Gòn, về những buổi du ca mà tôi đã tham dự. Phải như có Tùng ở đây nhỉ. Dù sao đi bên Tùng, tôi cũng cảm thấy một chút hãnh diện, một chút sung sướng.
........Tiếp tục chương trình là bài "Chuyện Tình Buồn" trời ơi, làm sao bây giờ, tôi chỉ muốn đứng dậy ra về, nhưng làm như vậy có bất lịch sự lắm không? Tôi sợ kỷ niệm, tôi sợ nghe và thấy vết tích ngày xưa. Nhưng thôi, tôi đã ở đây thì dù muốn dù không, tôi cũng nên ở cho đến chấm dứt chương trình. Tiếng hát cất lên, đầu óc tôi rối bời như muốn nổ tung vì những nhắc nhở ngày xưa. Thế thì làm sao tôi quên được Tùng, tôi tưởng như Tùng đó, Tùng đang đứng trước mặt tôi và đang hát cho tôi nghe như đêm văn nghệ cuối cùng gặp nhau Tùng đã hát. Lý do đơn giản là tôi thích bài hát đó và Tùng chiều tôi, thế thôi. Và tôi không bao giờ ngơ rằng, đó là điềm báo trước sự xa cách của chúng tôi. Buổi tối hôm đó, Tùng xin phép được đưa tôi về, thật ngại ngùng và khó nghĩ cho tôi. Làm sao bây giờ, bởi vì Tùng chưa thân đến độ để đi riêng với tôi và Tùng cũng không xa lạ, để tôi phải từ chối lời mời. Tùng hiểu và bỏ tôi ở đóvowis những bối rối. Toan tính gì bây giờ hả Uyên. Dạo sau này, Sài Gòn rối loạn, đời sống xáo trộn. Thiên hạ cố ăn chơi để vớt vát thời vàng son. Tam tòng tứ đức, tam cương ngũ thường dường như hoàn toàn vào quên lãng. Tôi có vài bạn nhỏ không thân lắm, quan niệm rằng cứ ăn, cứ chơi, tiệc tùng liên miên, giao du thả cửa không thôi VC vào thì uổng. Tôi chỉ cười và không ý kiến, thật ra tôi không bao giờ đồng ý với quan niệm như vậy. Theo tôi, con gái vẫn phải tính toán, vẫn phải giữ kẽ. Tôi biết đó chỉ là một điều tuyệt đối, và tuyệt đối thì không bao giừo đúng hoàn toàn. Tùng trở lại với tôi và tôi hiểu điều gì tôi sẽ làm. Đi bên cạnh Tùng để thấy con đường Duy Tân cây dài bóng mát, để thấy nỗi lo sợ trong tôi. Tôi biết và tôi sợ những lời Tùng sẽ nói, sợ thấy ánh mắt Tùng nhìn, bởi vì tôi hiểu tình cảm tôi cho Tùng đã hơi khác với tình bạn đơn thuần mà tôi mong muốn.
........Duy Tân với gió lộng, với hàng cây xào xạc, với không khí yên tĩnh, vắng vẻ mọi ngày tôi vẫn thích mà sao hôm nay tôi sợ quá, nhiều khi tôi muốn nói với Tùng một vài điều nhưng tôi cố kìm lại. Không được, tôi sẽ không bao giờ mở lời cho đến khi Tùng bắt đầu câu chuyện. Tôi vẫn lặng lẽ đi bên Tùng, và Tùng đã nói, ừ phải thế chứ nhỉ.
........- Uyên này tại sao lại đề nghị anh hát bài " Chuyện Tình Buồn". Tại sao lại năm năm trời không gặp, từ khi em lấy chồng. Anh không bao giờ tin dị đoan, Uyên biết điều đó, mà sao lần này anh sợ. Tự nhiên, anh nhớ mẹ em vẫn nói. Làm cái gì xui là nó vận vào mình đấy - Uyên có nghĩ thế không?
........Nghe Tùng nói, tô. Ấy chết, tôi lại mâu thuẫn rồi. Việc gì phải sợ nhỉ, khi tôi và Tùng đâu đã là gì của nhau. Coi chừng, đừng để rơi vào bẩy Uyên ơi.
........Anh Tùng chỉ giỏi nghĩ vớ vẫn, lúc nào Uyên cũng xem anh như bạn hay nói đúng hơn như một người anh quý. Thế thì, khi nào cần gặp Uyên, cứ Lambretta phóng thẳng tới trường là thấy Uyên liền. Nghe anh nói năm năm trời không gặp, Uyên cứ tưởng là Uyên sắp đi du học đến nơi.
........Anh đã nói với Uyên bao nhiêu lần rồi, con trai với con gái không bao giờ là bạn với nhau hết. Uyên hiểu banh chứ?
........Làm sao bây giờ hở trời, Tùng lại sắp sửa dồn tôi vào ngõ bí rồi. Nhìn sang Tùng, tôi thấy mặt Tùng nghiêm hẳn lại, chuyện gì quan trọng vậy. Bỗng dưng, Tùng nắm lấy tay tôi và bảo tôi dừng lại.
........Duyên nhìn thẳng vào mắt anh v à nghe anh nói: Uyên có bằng lòng cho anh đi chung với Uyên trong suốt cuộc đời còn lại này không?
........Tôi cúi đầu, bàng hoàng và bỡ ngỡ. Tôi biết, dù muốn dù không tôi cũng sẽ nghe Tùng nói câu này. Nhưng tôi không ngờ, sớm vậy sao Tùng?
........Anh biết như thế hơi vội đối với Uyên, nhưng anh đã suy nghĩ thật kỹ, thật chín chắn khi nói điều đó. Bởi vì, anh bỗng linh cảm rằng Uyên đó gần anh lắm nhưng rồi cũng sẽ xa anh lắm.
........Anh Tùng, Uyên phải nói anh là người con trai duy nhất mà Uyên quý, Uyên trọng. Cho nên, Uyên không thể trả lời câu hỏi của anh trong một sớm một chiều. Hơn nữa, Uyên nghĩ rằng Uyên chỉ là một người con gái thật bình thường. Uyên đau có đáng cho anh Tùng phải bận tâm.
........Anh không thích con gái đẹp nhưng trống rỗng. Gặp Uyên, thấy Uyên dễ thương. Nhất là nhìn mắt Uyên, anh thấy mình bị lôi cuốn thật tình. Và anh tin rằng, Uyên là người con gái vuối cùng mà anh dừng lại. Mọi sự thay đổi - SDau này nếu có - là do Uyên, chỉ do Uyên mà thôi.
........Tôi phải trả lời với Tùng thế nào bây giờ. Tôi chưa muốn đời tôi bị lệ thuộc vào tình cảm riêng tư. Tôi còn hai năm nữa ra trường, và tôi còn tới ba năm nữa để lập gia đình như ý mẹ mong muốn. Mẹ tôi là chúa tin thầy bói, và thầy bói nói tôi cao số, hai mươi lăm tuổi lấy chồng mới tốt. Thế là, tôi cứ bình tĩnh ở nhà cho đến ngày sinh nhật thứ hai mươi lăm của tôi. Không biết như vậy có phải là một cách báo hiếu hay không. Nhưng, cho đến bây giờ tôi vẫn nghỉ rằng cuộc hôn nhân của tôi sẽ do bố mẹ tôi định đoạt, nhất là mẹ tôi, bởi vì tôi thương mẹ tôi và tôi nghĩ mẹ tôi chọn thì tôi sẽ bằng lòng. Mẹ tôi không thích con trai học Luật, không thích tôi làm dâu trưởng trong một gia đình đông con gái. Bởi vì "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" . Khổ ghê, những điều mẹ tôi không thích thì Tùng lại vướng phải. Làm sao bây giờ, tôi không dám trách bố mẹ tôi , tôi biết bậc cha mẹ nào lại không muốn cho con mình sung sướng, đầy đủ. Tôi hiểu bố mẹ tôi có lý khi chọn con rể bác sĩ hay kỹ sư. Và tôi hiểu những gì tôi sẽ làm trong tương lai. Tốt nghiệp đại học, chọn cho mình một thế đứng trong xã-hội và lập gia đình theo ý bố mẹ tôi. Như vậy, sẽ không có Tùng hiện diện trong đời sống của tôi. Tôi phải trả lời thế nào, tôi phải chọn...giải pháp nào để tôi đừng buồn và nhất là để Tùng khỏi khổ. Tôi thương Tùng chứ tôi chưa yêu Tùng, và tôi hiểu Tùng sẽ làm tôi xiêu lòng nếu chúng tôi còn tiếp tục gặp nhau.
. . . . Nếu tôi không phải là con gái lớn trong gia đình, nếu tôi không là đứa con mà bố mẹ tôi đặt hy vọng thì tôi sẽ bằng lòng đi chung với Tùng mãi mãi. Bởi vì, Tùng chính là mẫu người mà tôi tìm kiếm: con trai Bắc này, viết thư hay này, viết chữ đẹp này, và nhất là lối nói chuyện làm mềm lòng người, Theo tôi, con gái nếu không lấy được người mình yêu thì cuộc hôn nhân phải là một sự tính toán chọn lựa. Còn tôi và Tùng thì làm sao hả trời, yêu hay là tính toán. Nhiều khi tôi muốn buông xuôi, muốn sống riêng cho chính mình, muốn quyết định cho riêng mình, nhưng khi thấy mẹ tôi thì bao nhiêu dự định tan thành mây khói và tôi vẫn chỉ là đứa con gái nhỏ nhoi trong gia đình.
. . . . Tùng hiểu những khó khăn mà chúng tôi sẽ gặp phải, Tùng biết những bối rối của tôi và Tùng muốn gặp bố mẹ tôi để nói chuyện và để thuyết phục. Nhưng, tôi chưa muốn Tùng tiếp xúc và bàn về chuyện hôn nhân cưa chúng tôi mà tôi biết chắc câu trả lời của bố mẹ tôi. Biết đâu, sang năm, khi Tùng ra trường, thì sao nhỉ. Nếu Tùng đừng bắt tôi trả lời câu hỏi, đừng bắt tôi quyết định quá sớm thì dễ xử cho tôi quá. Tôi biết, trong tình yêu nếu chẳng may gặp phải tan vỡ thì chắc chắn là người con gái sẽ đau khổ nhiều hơn con trai, nhất là đứa con gái yếu đuối nhứ tôi. Và sau cùng, Tùng đã bằng lòng chờ tôi thêm một năm nữa.
. . . . Tối hai mươi tháng tư, cả nhà tôi đang quây quần nghe bố tôi nói về thời cuộc, về tình hình Sài Gòn, về chuyên ra đi hay ở lại. Tiếng chuông reo, tôi chạy ra mở cửa. Trời ơi: Tùng đấy ư. Tôi đứng lặng người nhìn Tùng, tôi đã bảo Tùng bao nhiêu lần là đừng nên đến nhà tôi. Bố mẹ tôi không cấm tiếp bạn trai ở nhà, nhưng tôi biết tính Tùng. Tùng liều lắm, Tùng dám nói những gì mà Tùng muốn, Tùng dám làm những gì mà Tùng thích.
. . . . Làm sao cô, khách đến nhà mà bắt đứng ngoài đường thế này. Mở cửa cho tôi vào đi chứ.
. . . . Giờ này mà anh còn cười, còn dỡn được. Uyên đã bảo anh rồi. Ông bố Uyên khó lắm, rồi anh sẽ bị quay như quay dế cho mà coi.
. . . . Anh gồng mình mà Uyên. Một tiếng đồng hồ vượt qua bao trở ngại gai góc để đến nhà Uyên. Xe hư hai lần, nghĩ tới Uyên mà hỳ hục sửa. Thế thì, anh nghĩ Uyên đâu đến nỗi tàn nhẫn mà đóng cửa đuổi anh vê.
. . . . Tôi đứng nhìn Tùng mà muốn khóc, bảo Tùng về thì tôi không muốn, mà mời Tùng vào rồi thì cũng chả đi đến đâu. Dân ban B, hạng nhất toán trong lớp mà ở trường hợp này thì cũng chả tìm ra giải đáp. Tiếng động nhẹ sau lưng, mẹ tôi đã đứng bên cạnh. Tôi đành phải giới thiệu Tùng với mẹ.
. . . . Uyên, mời anh ấy vào nhà chơi đi con. Sao đứng ngoài này lạnh chết.
. . . . Tôi đứng né ra cho Tùng vào. Với nụ cười trên môi Tùng nhìn tôi đắc thắng.
. . . . Bố tôi đang coi TV ở phòng khách, lại một màn giới thiệu lỉnh kỉnh. Tôi lén nhìn sắc mặt bố tôi, vẫn bình thản, vẫn vui vẻ. Bố tôi thường nói , con người làm chính trị thì buồn vui không được biểu lộ trên nét mặt, cũng như Tổng Thống Phác Chánh Hy vợ chết ngay bên cạnh mà vẫn bình tĩnh đọc cho đến hết bài diễn văn.
. . . . Uyên vào rót nước mời khách đi chứ con. Cô nghĩ gì mà ngẩn người ra thế kia?
. . . . Bước chân vào nhà mà lòng dạ chẳng yên chút nào. Lọ trà quen thuộc mà sao hôm nay tôi không biết ở đâu. Loay hoay gần nửa tiếng mới xong được ấm trà. Tôi cứ phải lắng nghe tiếng ba tôi nói và Tùng dạ nhịp. Tôi lo quá, trà pha đã xong mà tôi chẳng dám mang ra. Nước lại sắp nguội rồi, chắc phải đổ vào ấm đun lại quá.
. . . . Uyên ơi, pha nước xong chưa. Sao lâu thế con.
. . . . Bưng khay nước ra mà tôi cứ hết nhìn sang Tùng, rồi lại sang bố mẹ tôi. Thấy tình hình có vẻ vui vẻ, yên chí được phần nào rồi. Thu mình trong ghế nghe Tùng và bố tôi bàn về chuyện chính trị, văn học, nghệ thuật. Khả quan lắm, thảo nào mà tự tin ghê. Lát nữa thế nào tôi cũng phải trêu Tùng mới được. Chưa được mười phút đã nghe tiếng con bé em gọi.
. . . . Chị Uyên ơi, có chị Thoại-Lan đến.
. . . . Lan là nhỏ bạn thân nhất của tôi, sao nó lại đến chơi tối thế này. Tôi nói với Tùng và ra cửa đón Lan.
. . . . Có chuyện gì quan trọng mà rồng còn đến nhà tôm thế kia. À, mang thiệp hồng đến mời đó hả?
. . . . Nhìn lên, vẫn không thấy Lan trả lời. Con bé hôm nay khắc hẳn ngày thường, vẻ nhí nhảnh mọi ngày đã biến mất. Hay là gần đến ngày cưới nó buồn vì phải xa bạn bè.
. . . Thôi mà cô nương, tôi biết quá mà. Sắp lên xe hoa lại còn vờ nữa. Chuyển bị bộ mặt đưa đám để áp dụng cho đúng cậu "Khóc cho thiếu nữ vu quy nhật" đấy.
. . . . Uyên ơi, Lan sắp xa Uyên thật rồi.
. . . . Chuyện, con gái ai cũng phải có một lần bước lên xe bông. Nhớ Uyên thì đến thăm Uyên. Nhà Uyên với ông xã Lan đâu có bao xa.
. . . . Không phải, Uyên hiểu lầm rồi. Nghe Lan nói này: Lan sắp sửa đi Mỹ, ông bố Lan nói tình hình có vẻ nguy ngập cho mẹ Lan và tụi này đi trước.
. . . . Thật hả , bao giờ Lan đi?
. . . . Chiều mai.
. . . . Lan ôm lấy tôi và khóc. Trời ơi, tôi thương va quý Lan lắm. Bạn bè vẫn bảo tôi và Lan là một cặp bài trùng, như cây liền cành, như chim liền cánh. Khóc chán hai đúa lại lôi hết kỷ niệm thời trung học, thời làm văn nghệ, thời làm báo. Ngồi bên cạnh Lan mà tôi lo ghê. Không biết bây giờ Tùng ra sao, Tung thế nào.
. . . . Uyên này, Lan thấy dạo này Uyên làm sao đấy. Hình như Uyên không còn thương Lan như ngày xưa.
. . . . Chỉ nói bậy thôi, Uyên không thương Lan thì thương ai bây giờ.
. . . . Sao Lan thấy Uyên nói chuyện với Lan Mà mắt cứ nhìn đâu đâu.
. . . . Chắc là tại Uyên xúc động lhi nghe tin Lan đi.
. . . . Ừ, có thế chứ.
. . . . Và Lan lại kéo tôi vào câu chuyện. Ngày xưa tôi vẫn nói với Lan là : nếu Uyên có bồ, chẳng may có chuyện gì xảy ra mà bắt Uyên phải chọn lựa giữa bồ và bạn, thì bạn phải là ưu tiên một. Uyên có thể bỏ bồ chư không thể xa bạn.
. . . . Thế mà bây giờ tôi đã hơi thay đổi rồi ư, đã hơi lơ đãng trước chuyện ra đi của Lan. Ngồi bên Lan mà cứ nghĩ đến Tùng. Phải gác Tùng qua một bên đi chứ. Và lần này thật sự, tôi đã quên Tùng và hòa đồng vào câu chuyện của Lan. Gần đến giờ giới nghiêm, Lan vào nhà chào bố mẹ tôi. Dặn dò nhau đủ thứ, khóc thêm một lần nữa, Lan mới lên xe ra về. Nhìn theo bóng Lan khuất sau rặng cây, tôi mới cảm thấy một mất mát. Nhỏ bạn thân, nhỏ bạn yêu quý một đời rồi cũng sẽ bỏ tôi.
. . . . Vào căn phòng khách thì gặp bố mẹ tôi đăng tiễn Tùng về. Băng qua vườn hoa đưa Tùng ra cổng, lúc này tôi mới cảm thấy Tùng là một cần thiết. Hình như Tùng đã có một chổ đứng trong đời sống của tôi.
. . . . Sao nghĩ gì thế Uyên. Khách đến chơi nhà mà chẳng thèm tiếp gì cả.
. . . . Uyên xin lỗi anh, Uyên mới găp một chuyện buồn. Nhưng mà thôi, cũng không có gì quan trọng cả. Thế nào, thành công hay thất bại hả bạn.
. . . . Dọa nhau quá Uyên ơi, anh thấy ông cụ có vẻ phóng khoáng và kiến thức rộng lắm. Còn bà cụ thì thương Uyên hết chỗ chê. Uyên đòi gì mà chả được. Trước khi về, ông cụ còn nói khi nào rảnh đến chơi nữa chứ. Thấy anh kiếm điểm khá không? Lần sau tôi đến là da nh chính ngôn thuận đấy nhé. Tôi chả thèm đến thăm cô đâu.
. . . . Tự tin nhỉ, chờ xem.
. . . . Tôi không tin là Tùng có thể lấy lòng bố mẹ tôi một cách dễ dàng như vậy. Bối tôi nổi tiếng là nghiêm khắc và khó tính mà.
. . . . Uyên này, đứng đây nói chuyện với anh nửa tiếng được không. Anh có việc cần nói với em.
. . . . Mai được không anh, mai anh đến thư viện tìm Uyên. Gần giờ giới nghiêm rồi, mà xe anh lại trục trặc thế kiqa. Uyên sợ anh không về nhà kịp.
. . . . Không sao, chuyện đó không thành vấn đề.
. . . . Uyên ơi.
. . . . Gì anh ?
. . . . Lúc nãy anh có nói với bố mẹ em về chuyện chúng mình và anh đã xin phép được lấy em. Anh sẽ dẫn ông bà cụ anh đến nếu bố mẹ anh bằng lòng.
. . . . Trời ơi : Sao anh gan quá vậy. Thế bố mẹ Uyên trả lời sao.
. . . . Tùy em quyết định. Bây giờ em nghĩ sao ?
. . . . Anh đã bảo là anh chờ Uyên thêm một năm nữa mà.
, , , , Nhưng mọi chuyện đã hơi đổi khác. Em biết Lãng chứ gì, sinh viên du học bên Pháp sắp về nước.
. . . . Ơ : Anh Lãng thì liên quan gì đến Uyên.
. . . . Không những liên quan với em mà còn cả anh nữa. Lãng là bạn với anh ngày xưa. Anh mới nhận được thư Lãng. Sắp về nước lấy vợ mà cô vợ thì không ai xa lạ gì với anh.
. . . . Vợ sắp cưới của Lãng cũng là bạn anh hả ?
. . . . Không những là bạn mà còn xa hơn nữa, là người anh yêu, là Uyên đấy, Uyên hiểu không ?
. . . . Bình tĩnh đi anh Tùng, chắc anh nghe lầm đấy, chả lẽ chuyện hôn nhân của Uyên mà Uyên không biết sao.
. . . . Chả lẽ niềm lo lắng của tôi lại thành sự thực. Thỉnh thoa ngr tôi cũng nghe bố me. tôi nhắc về Lãng và ngày về của Lãng. Tôi cubgx quý Lãng nhưng tôi không bao giớ ngờ rằng Lãng lại là chồng của tôi.
. . . . Uyên, khi yêu em anh đã biết là anh khó giữ nổi em. Con gái Nha-Khoa thì thường lấy con trai Y-Khoa hay ít ra phải là Nha-Sỹ, Kỹ-Sư. Anh hiểu bố mẹ em lựa chọn đúng. Ngay ở địa vị anh, anh cũng quyết định như vậy. Hai gia đình quen thân nhau, môn đăng hộ đối. Lãng lại học giỏi, đàng hoàng.
. . . . Anh Tùng, Uyên chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình lúc này. Anh tin Uyên, bỏ chuyện anh Lãng sang một bên đi.
. . . . Ừ thôi anh tạm tin em vậy. Anh về, thứ bảy này gặp lại và Uyên phải trả lời dứt khoát về lời cầu hôn của anh.
. . . . Uyên sẽ cố gắng.
. . . . Tiếng xe Tùng ròn rã phá tan bầu không khí yên lặng của Cư-Xá, cũng như Tùng rồi sẽ khuấy động đời sống êm đềm của tôi. Sự trở về của Lãng,lời cầu hôn của Tùng và lần ra đi của Lan, chỉ trong một buổi tối mà tôi tưởng như tôi không còn là con bé Uyên nữa, mà là một người con gái đang làm một bài tính thật nhanh chóng về cuộc hôn nhân của mình. Rôiuf cuối cùng, tôi cũng chả được gì.
. . . . Vào nhà, vẫn thấy mẹ tôi ở phòng khách. Không lẽ mẹ lại mắng tôi về việc đứng lâu ngoài cổng.
. . . . Khuya rồi sao mẹ chưa đi ngủ.
, , , , Mẹ chờ con.
. . . . Chuyện gì vậy mẹ ?
. . . . Con có biết là Lãng, con bác Phán sắp về nước không ?
. . . . Tôi im lặng không trả lời, chắc gặp rắc rối rồi đây.
. . . . Bác Phán muốn hỏi con cho Lãng. Thế ý con thế nào ?
. . . . Con chưa gặp anh Lãng, thành ra con không dám quyết định.
. . . . Ngày xưa mẹ thấy con cũng thân với Lãng và mẹ nhớ không lầm là con quý Lãng lắm cơ mà.
. . . . Mẹ không nghĩ là người ta sẽ thay đổi sau những năm ở ngoại quốc sao ?
. . . . Tùy con, à quên lúc nãy nói chuyện với cậu Tùng mẹ mới biết cậu Tùng là con bác Khoa hay đi lễ chùa với mẹ đó.
. . . . Ủa ! Anh Tùng là con bác Khoa đấy hả me. ?
. . . . Người đàn bà với khuôn mặt thật đầy đặn, phúc hậu, hay đến chơi với mẹ tôi, hay ân cần săn sóc tôi lại là mẹ của Tùng đó ư.
. . . . Tùng cũng đã hỏi bố mẹ về chuyện của con.
, , , , Thế mẹ nghĩ sao ?
. . . . Hỏi xong mới biết là mình dại, mẹ tôi không chấp nhận thì có phải là khổ cho tôi không. Sự thật nào rồi cũng phũ phàng.
. . . . Mẹ thấy Tùng cũng được, con nhà gia giáo. Bố có vẻ thích Tùng.
. . . . Me, có biết là Tùng học Luật, Tùng là con trai trưởng trong một gia đình đông con gái. Hơn nưa, mẹ nói con hai mươi lăm tuổi mới được lập gia đình mà.
. . . . Mẹ đâu có nói là không thích tất cả những người học Luật. Mẹ thấy nhiều người cũng khá lắm chứ. Bố khen Tùng. Còn bác Khoa thì quen với mẹ, bác ấy cũng tử tế đàng hoàng lắm. Mấy cô em của Tùng còn ngoan và hiền hơn con nhiều. Nếu con muốn, bây giờ cứ đính hôn rồi đợi khi ra trường sẽ làm đám cưới.
. . . . Như vậy là bố mẹ đã bằng lòng.
. . . . Bố mẹ nghĩ là con đã đủ lớn để quyết định đời con. Hơn nữa mẹ thấy Lãng và Tùng đều là những người tốt.
. . . . Con có thể trả lời với Tùng rồi chứ.
. . . . Nếu con đã lựa chọn.
. . . . Trời ơi, tôi phải nói thế nào để cảm tạ trời Phật, tôi không ngờ tôi lại vượt qua trở ngại gia đình một cách quá dễ dàng.
. . . . Vào phòng ngủ mà tôi vẫn không tin là những lời nói của mẹ tôi là sự thật. Mở tung hết các cửa sổ ra, trời lạnh, nằm chùm chăn nghe băng nhạc Tùng hát, Tung nói thì còn gì bằng. Dù sao giữa tôi và Tùng cũng có quá nhiều ràng buộc gắn bó. Và tôi nghĩ tôi đã không nhầm lẫn khi chọn Tùng. Thủa mười bảy, mười tám tuổi, tôi phải nhất định phải tìm được một coup de Foudre trước khi lập gia đình, bởi vì tôi bị ảnh hưởng tiểu thuyết quá nhiều. Tùng đã không gây được coup de Foudre cho tôi. Nhưng bây giờ, hơn hai mươi tuổi rồi, tôi nghĩ là tôi nên dừng lại. Tùng chưa hẳn là mẫu người tuyệt đối mà tôi mong chờ, nhưng tôi hiểu trên đời này tuyệt đối chỉ là sự vô vọng không thể kiếm tiền. Và tôi thấy rằng mình đã quá nhiều may mắn khi gặp Tùng. Ngày mai khi cho Tùng biết về quyết định của tôi , bạn và gia đình. Tưởng tượng bộ mặt Tùng lúc ấy chắc là phải buồn cười lắm.
. . . . Tháng sau là lễ đính hôn của chúng tôi. Những ngày cuối tôi và Tùng thật là bận rộn, nào lo in thiệp, may áo, đặt bánh, đặt trầu cau. Tùng chiều tôi, Tùng bằng lòng với tất cả những gì tôi mong muốn. Ai cũng bảo số tôi rồi sẽ sướng, bạn bè tôi không ngờ đường tình cảm của tôi lại xuông sẻ như vậy, còn gia đình tôi rất bằng lòng với cuộc hôn nhân này.
. . . . Thế nhưng, trời đã chẳng chiều lòng người. Sài Gòn bỗng biến chuyển không ngờ 28, 29 giới nghiêm 24/24. Cư Xá tôi phong tỏa hoàn toàn, ra không được va vào cũng không được. Tôi và Tùng không thể nào gặp nhau. Khổ ghê, mấy ngày nay điện thoại nhà tôi lại hỏng. Tôi phải sang nhà bà hàng xóm gọi nhờ vào sở cả chục lần mà chẳng thấy Tùng đâu. Tôi biết là như vậy sẽ làm phiền bà ta nhiều lắm, nhưng biết làm sao hơn bây giờ.
. . . . Chiều hai mươi chín quân đội giải tán, buổi tối bố tôi bảo xắp xếp quần áo để sáng mai ra Tân Sơn Nhất đi máy bay với ông bạn của bố. Nghe tin đó là tôi bàng hoàng. Tháng sau là đám hỏi của chúng tôi cơ mà. Tôi vẫn nghe bớ tôi nói ông Minh lên là thế nào cũng trung lập, tại sao m ình lại rời bỏ Sài Gòn khi tình hình chưa đáng lo ngại. Tôi muốn nói lên những ý nghĩ của mình cho bố mẹ. Nhưng thôi, dù sao những quyết định của bố tôi bao giờ cũng là quyết định tối hậu.
. . . . Suốt buổi tối hôm đó, tôi không ăn uống gì cả, đóng kín cửa phòng, nghe lại tất cả những băng nhạc của Tùng đã cho tôi. Bố mẹ tôi cũng buồn khi thấy niềm đau khổ và tuyệt vọng của tôi. Mẹ tôi nói : nếu tôi muốn ở lại chờ Tùng, thì cả nhà sẽ ở lại, bởi vì mẹ tôi không thể bỏ tôi một mình. Nhưng mẹ tôi nghĩ rằng, gia đình Tùng quen biết nhiều và Tùng sẽ không khó khăn gì trong việc di tản nếu Tùng muốn. Tự nhiên, tôi linh tính đến một điều gì không hay xẩy ra nếu tôi đi trước Tùng. Tôi biết, dù muốn dù không tôi cũng phải đi cùng với gia đình. Chẳng lẽ vì tôi mà cả gia đình ở lại. Nếu chẳng may cộng sản chiếm được Sài Gòn , nếu chẳng may có mệnh hệ gì xảy ra thì có phải là khổ cho gia đình tôi không. Bố tôi là Sĩ-quan Tình Báo, em trai tôi trong tuổi quân dịch, em gái tôi rồi sẽ lấy thương phế binh như những lời đồn đãi. Cuối cùng chỉ còn một mình tôi là sung sướng, là toại nguyện. Tôi không thể ích kỷ, không thể vì chuyện tình cảm riêng tư của mình mà làm khổ những người thân. Và rồi, quyết định đi vấn là giải đáp duy nhất mà tôi phải lựa chọn.
. . . . Sáng ba mươi tháng tư, trước khi ra phi trường, tôi gọi điện thoại cho Tùng một lần nữa, nhưng vẫn không gặp, và Cương, bạn thân của Tùng nói chuyện với tôi.
. . . . Thế nào Uyên, vui vẻ chứ, mấy hôm nay tôi thấy Tùng cười nói suốt ngày. Tháng sau là được ăn hỏi ông bà rồi.
. . . . Anh Tùng đi đâu mà Uyên gọi điện thoại hoài không gặp.
. . . . Cả tuần nay tôi và Tùng đâu có đi làm. Sáng nay mới gặp Tuingf, nghe Tùng nói nhà Bảo Hiên Rồng Vàng đóng cửa, nên Tùng phải tìm chổ khác để đặt bánh quế và đặt trà. Hình như Tùng đem lại cho Uyên coi thiệp đám hỏi, thiệp đẹp lắm Uyên ơi.
. . . . Tôi bật khóc lên trong điện thoại, người ta bảo ăn hiền gặp lành, ăn chay được phước, tôi vẫn ăn chay một tháng hai lần không làm điều gì ác mà sao gặp cảnh trớ trêu thế này.
. . . . Uyên, chuyện gì mà Uyên khóc. Tôi có nói gì cho Uyên buồn không ?
. . . . Uyên khổ lắm a nh ơi. Nửa tiếng nữa Uyên và gia đình sẽ về nhà ra Tân Sơn Nhất.
. . . . Sao lạ vậy, Tùng nói là Tùng đã lo giấy tờ cho mUyên mà, Uyên không bằng lòng đi mà.
. . . . Bố mẹ Uyên mới thay đổi ý định. Nhờ anh nói lại với Tùng là Uyên không thể xa gia đình. Chắc anh Tùng hiểu Uyên nhiều. Tuy nhiên Uyên cầu mong phi trường bị pháo kích tối hôm qua để Uyên còn trở về với anh Tùng. Thôi, chào anh.
. . . . Hy vọng vẫn được dự đám hỏi Uyên và Tùng.
. . . . Trên đường ra phi trường, tôi hết cầu Trời khấn Phật, rồi chúa Jesus, đức mẹ Maria cho tôi gặp lại Tùng. Chưa bao giòtoi tin tưởng những đấng tối cao như thế. Tôi không thể thuộc hoàn toàn một bài kinh, nhưng tôi cứ ghép hết câu này sang câu khác để đọc suốt đoạn đường. Quả nhiên, tới Tân Sơn Nhất nghe tin phi trường bị pháo kích và bị chiếm tối 29, không còn máy bay nào cả. Làm sao diễn tả được nổi vui mừng của tôi lúc đó, đã biết mà, thế nào Trời Phật và Chúa cũng sẽ phù hộ cho tôi. Rồi tôi sẽ trở về với Tùng. Thế nhưng, ông bạn bố tôi lại đè nghị ra bến Bạch Đằng để đi bằng đường thủy. Tôi cũng chẳng sợ, bởi vì đi tàu thì phải trả tiền, phải giao hẹn trước, chứ đi khơi khơi thế này thì làm sao mà lên được.
. . . . Khổ ghê, cuối cùng bố tôi cũng tìm được tầu để đưa gia đình tôi về miền đất tự do ( như lời nhiều người đã nói ). Ở trên tầu nghe tin Sài Gòn thất thủ, nhiều khi tôi muốn nhảy xuống biển cho thân xác tôi tan thành cát bụi bvaf cát bụi tìm về với Tùng. Tôi thù ghét con tầu, con tầu mà mọi người đội ơn, bởi vì nó mà tôi xa Tùng, tôi mất Tùng vĩnh viễn. Lênh đênh trên biển cả 20 ngày, ăn uống cho đủ sống, cầu nguyện cho Tùng, cho tôi, cho cuộc tình của chúng tôi. Cuộc đời tôi mà lại gặp nhiều bất hạnh thế ư ?
. . . . Lên Subic, Guam, Fort Chafee tôi phải nhờ người quen giới thiệu làm ở Red Cross để tìm tin tức Tùng. Ngày nào cũng lật sổ, những quyển sổ dày cộm những tên người chi chít mà sao vẫn không thấy tên Tùng. Tôi không mơ ước cao xa, tôi không mong đợi những tiện nghi vật chất, tôi chỉ muốn 24 mẫu tự ABC ghép lại một cách thứ tự thành tên Lê Khang Tùng trong cuốn sổ Red Cross. Thế là đủ, tôi không còn mong muốn gì nhơn nữa. Nhung rồi, cuối cùng tôi vẫn tuyệt vọng và rồi Tùng vẫn vượt khỏi tầm tay tôi.
. . . . Ngày xưa, một nhỏ bạn coi bàn tay tôi, chỉ một nhánh cây trên con đường tình cảm của tôi và nói tôi sẽ có một mối tình dang dở trước khi lập gia đình. Tôi không bao giờ tin, bởi vì tôi vẫn nghĩ là cuộc hôn nhân của tôi phải do bố mẹ tôi chọn lựa. Thế thì, làm sao có chuyện dang dở khi tôi tự hứa không bao giờ bước vào đường tình cảm trước khi lập gia đình. Tôi nghĩ tôi có thể giữ được lời hứa đó nếu tôi không gặp Tùng và nếu tôi không xa Sài Gòn.
. . . . Người ta vẫn nói, nước rồi cũng chảy về nguồn, sông rồi cũng về cội, còn tôi rồi cũng trở về Việt Nam yêu dấu gặp lại Tùng, dù tôi biết rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ thay đổi, chúng tôi rồi sẽ chẳng còn là Tùng và Uyên như thủa trước.
. . . . Anh Tùng yêu dấu.
. . . . Tối hôm qua, em mới nghe lại những băng nhạc Tùng hát cho em, những kỹ niệm duy nhất mà em còn giữ được, còn bắt em phải nhớ đến Tùng, còn làm khổ em trong tháng ngày còn lại này. Tùng ơi, bây giờ em đã ở đây, đã du học một cách bất đắc dĩ Southeastern Oklahoma State University, địa chỉ của em đó. Còn Tùng, ở một phương trời xa xa kia, Tùng có nghe nói không ?
. . . . " Em sẽ sống một đời để thương nhớ một thời của chúng mình, của Tùng, của em. Và Tùng đã là một nhánh cây trong bàn tay của em rồi.
. . . . " Hài lòng chưa hở Tùng yêu quý ? "
Nhã Uyên