Dấu Yêu
Tháng giêng, chim về, chim vẫn quấy trên những hàng nốt cao ngất.
Tháng giêng ? Chim đã về chưa trên những cây phượng vĩ khô, héo úa trong sân trường yêu dấu của một thời tuổi nhỏ. Bây giờ, nơi đó, thị xã ngủ dưới những vàng son thời xa xưa chắc đã qua rồi hững cơn mưa rét buốt. Đã qua rồi mùa nước lụt, bây giờ những cây mai đã ươm kín nụ trong sân nhà. Bây giờ cỏ non đã xanh biếc trong sân trường ? Bây giờ ta muốn khóc, nước mắt rơi thương tiếc cho chúng ta. Trường ơi! Ngôi trường hồng núp dưới những bông phượng vĩ đỏ rực. Ta thấy thủa đó như là xa xôi lắm, mổi sáng nó thẳng đến trường với niềm vui ngậm trong môi, dưới lưỡi, tan trong mạch máu bên bạn bè thân yêu. Chổ ngồi quen thuộc ơi, bây giờ nơi đó , khung bảng xanh và phấn trắng ra sao ? Nơi vuông cửa sổ ta thường hay đứng có còn không ? Giòng sông êm đềm trôi qua thị xã ? Ôi! Làm sao mà ta có thể quên được !!!
"
Có phải bây giờ là mùa xuân? Trong những vườn cây xanh hoa đã nở. Đi chùa nhé Hoài Nhơn. Hoài Nhơn có còn thích mùi trầm của nhang? Có còn thích khói lãng đãng vờn quanh quyện với lời nguyện? Hoài Nhơn có mặc áo mới không? Buổi sáng nhớ dậy sớm, cười thật tươi với nắng gió rồi vào nhà, khoanh tay chúc ba mẹ đầu năm mới, và có luôn luôn dể thương nhất là những bao lì xì đỏ chót. Hoài Nhơn, Hoài Nhơn ạ! Bây giờ bạn nhỏ của Hoài Nhơn đang ở xa lắm.
Nhưng mà bạn nhỏ luôn luôn mơ ước được trở về quê hương thần tiên, nơi mà chúng ta là những thiên thần không có đũa phép nhưng có đôi mắt ươm đầy những ước mơ, Khi trở về, cũng như là mọi khi, giả tỷ như bây giờ là mùa đông An dậy trể như mặt trời vậy, An sẽ vào lớp muộn xấu hổ với nụ cười chế riểu của Nhơn giả vờ bâng quơ nói " Trời bửa nay nhiều sương ghê nô, mi nờ ". An là chủ tịch của hội đi trễ, đôi má đỏ au, An khẻ cười " Đâu có tại An tưởng còn sớm..." Buổi trưa, An sẽ đi tìm những cành hoa me đất màu tím ẩn nững câu ngày xưadưới lớp cỏ non, An sẽ giả vờ hỏi Hoài Nhơn những câu ngày xưa.
Nhơn ơi hoa này tên gì ?
Tên là ... me đất.
Sao tên xấu vậy ? Mà hoa lại đẹp quá ! Hoài Nhơn có thích không ? Thích chứ, mình mang về lớp cho tụi nó Hoài Nhơn nha.
Ừ ! Nhưng An không sợ tụi nó ghép tên hoa này sao ?
Ừ nhỉ ! Giả tỷ bây giờ, sương mù đã tan hết, áo len đã gấp lại thật nhỏ và cất trong tủ. An đi học sớm, rồi khi ngang qua căn nhà có giàn hoa Tigon đang nở thắm, Nhơn đợi An với nụ với những lá mới của cây thuộc bài và câu chuyện dưới hàng cây nghiêng nghiêng của đường Lê Lợi thân ái.
Cho An đó, An thích ép lá thuộc bài lắm hở ?
Ừ, nhưng mà cây ở nhà Nhơn gì mà già cú đế An bứt mãi mà không được gì hết, cư lủng lẳng hoài.
Hèn chi, buổi tối Nhơn thấy cây nó khóc vì bị thương ?
An ác quá. Nhơn có thích cây ấy không ?
Thích chứ. An có biết Nhơn đang nghĩ gì không ?
Nghĩ đến chiếc tàu trên Đại Tây Dương, đột nhiên mất tích, không ai tìm thấy dấu vết, có nghi vấn là đã rơi vào chiều Thứ Năm của không gian ? Có phải Hoài Nhơn đọc điều đó ở trong thư viện không ?
Không, Nhơn muốn nói: " Học trò không sách vở cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ. "
Có phải Hoài Nhơn đang buồn không ?
Ừ, buồn... ngủ đây An ạ. Trừ là giờ tan học nhà Nhơn gần trường lắm, Nhơn đi bộ thật chậm, gió từ dòng sông thổi về, tóc Nhơn dài trôi theo gió, tóc An ngắn bay bay.
Hoài Nhơn thích cây khô không ? Có phải cây khô có nét đẹp riêng ?
Đố An cây khô nào đẹp nhất ?
Cây phượng vĩ.
Ừ, nhưng mà còn cây nữa ?
Cây hoa sứ. Mình nhìn nhau niềm vui như hòa vỡ.
Giả tỷ như bây giờ là mùa hạ, nắng vàng óng đổ đi khắp nơi, trên những tàn cây xanh đã rộn ràng tiếng ve, những cây nhãn đã chỉu những trái nhãn mộng nước, trong sân trường đã đôn kín những chùm phượng vĩ đỏ rực.
An ơi ! đi nhặt hoa phượng với Nhơn !
An kéo vạt áo dài lên để Nhơn bỏ hoa vào.
Nhơn thích ép hoa phượng không ? An chỉ thích lúc nó còn tươi thôi, chứ lúc nó héo, màu đỏ mất rồi !
Hoài Nhơn thân ái ! Bây giờ An nhớ chùm hoa đó lắm của những ngày xưa đó, ơi tình bạn nhẹ nhàng như cơn say bồng bềnh. Có phải đó là hạnh phúc thần tiên mà ta đã có ?
Giả tỷ như bây giờ cửa trường đã đóng, ta đã nắm tay nhau tiễn biệt, thôi không thấy nhau trong sân trường nữa, đã đúng yên chào cờ một lần cuối trong niên học, chợt nhớ câu hát : " Ước mong quê hương sum vầy, ước mong quê hương thanh bình...". Có phải Hoài Nhơn nhìn An bằng đôi mắt rướm lệ ? Có phải ta nhìn nhau ngậm ngùi. Có phải ta nhìn nhau trái tim bừng lên tia lửa nung nóng. Có phải Nhơn ? Có phải An ? Có phải tất cả bạn bè chung quanh ta, đều mơ ước một ngày ta sẽ làm được gì cho quê hương dấu yêu, một ngày quê hương hết chiến tranh, quê hương giàu mạnh, một ngày lúa chín tràn lan khắp nơi, những căn nhà ngói đỏ thay thế cho những mái lá, rồi sẽ có những ngôi trường đứng lên, sẽ có máy cày thay cho trâu, thôi không còn mang súng đạn, thôi không còn ghét nhau...
Và giả tỷ như bây giờ là tháng ngày rong chơi, bỏ quên chồng sách vở, An sẽ đến nhà Nhơn, hai đứa ngồi trên thềm cửa. Trời xanh, gió nhẹ lay những cành hoa hồng. Nhơn chỉ thấy An và thấy cây phượng già bên nhà. Ngày xưa khi Hoài Nhơn còn nhỏ, cây phượng đó chưa cao khỏi nóc nhà. Mỗi năm khi Nhơn lớn lên thì cây đó cũng lớn lên, An thấy không ?
Có An thấy, rồi sẽ có ngày Nhơn sẽ cao bằng cây phượng đó. rực rỡ như màu hoa đỏ đó.
Nhưng khi Nhơn cao bằng như vậy, Nhơn muốn An cũng cao bằng Nhơn. An có hứa như vậy không? Hứa chứ. An sẽ... An sẽ không bao giờ quên lời hứa đó đâu Nhơn.
Bạn nhỏ. Mở trang vở mới đi. Trải hồn rộng nhu mì, cho những con chim nhỏ xuống đậu chít chiu ! chít chiu.
An sẽ mở trang vở mới, để rồi dòng đời sẽ lôi cuốn những trang kế tiếp và những trang kế tiếp xin xin cho An muôn đời là An của trang vở cũ, bởi vì An vẫn ước mongdduwowcj ngồi trên dòng sông ấy, dòng sông trôi qua thị trấn nhỏ, thả đôi chân xuống nghịch nước, nghiêng nghiêng mái tóc mơ hồ nghe Nhơn kể.
Ngày xưa khi Hoài Nhơn còn nhỏ xíu, nhà bà ngoại Nhơn ở bên kia nơi đó trồng rất nhiều bắp, trái bắp ngọt, hoa bắp lay trong gió...
An đang thấy hoa bắp lay trong gió, An đang thấy trời nắng như đốt cả trái đất, An đang thấy Nhơn cầm chiếc nón trắng.
An đội đi. Không, Nhơn đội đi, trời nắng lắm. An và Nhơn nhìn nhau mỉm cười, hình như nắng không còn nữa, hình như niềm tin như dòng nước mát ngấm vào tâm hồn.
An đang đứng trên đỉnh đòi Từ Hiếu, đồi thông xanh biết, An nghe tiếng sóng, An nghe tiếng reo của ngàn thông, tiếng Hoài Nhơn cười rộn rã, những bước chân An cuống quít reo vui như tiếng lá thông reo...
Đỗ Thị Kim Liên