Thiếu Uý Thành Và Nồi Thịt Kho Nước Dừa
Kéo Sextant cầm chân Hoàng Đạo
Xoay Hải Bàn điểm mặt Trùng Dương
(Tâm Tưởng)
Khi tôi còn là Hải Quân Thiếu Úy của chiến hạm HQ14, tôi là sĩ quan nhỏ nhất trên chiến hạm. Không cần thiết là trẻ tuổi nhất, nhưng trong trường hợp này tôi là nhỏ tuổi nhất luôn. Thế có nghĩa làm sao? Có nghĩa là như con út nhưng không được cưng chiều trong gia đình. Thí dụ: Trong Carré Sĩ Quan, tiếng Hải Quân gọi phòng ăn của sĩ quan trên tàu, nếu không đủ ghế ngồi cho tất cả sĩ quan, thiếu uý nhỏ nhất phải ăn cơm trong phòng ngủ của mình. Trường hợp này sảy ra khi tàu có khách, phần nhiều là sĩ quan từ các chiến hạm bạn hoặc từ các quân binh chủng khác. Một đôi khi khách là phu nhân, gia đình hoặc bạn gái của hạm trưởng, hạm phó, và sĩ quan khác trong trường hợp tàu cập bến.
Một hôm HQ14 cập bến Bạch Đằng, Sàigòn sau một hải trình dài công tác trục Bắc, tôi vì là sĩ quan nhỏ nhất nên bị sắp là sĩ quan trực tàu ngày đầu tiên. Trừ toán trực, mọi người đều lên bờ đi chơi hoặc thăm gia đình. Tàu thật vắng. Chiều hôm đó hạm trưởng trở về tàu cùng với phu nhân và cô em vợ. Híhíhí. Xin nhắc, Thiếu Uý Thành vẫn còn độc thân. Trong khi hạm trưởng và phu nhân muốn gặp gỡ riêng, hạm trưởng nhờ Thiếu Uý Thành dẫn cô em vợ của của ông ta đi thăm tàu. Híhíhí. Sướng rên mé đìu hiu!!!
Sau một hồi hàn huyên Thiếu Uý Thành được biết cô ta, giờ thì quên mất tên, thôi tạm gọi là Tâm đi, đang là sinh viên văn khoa. Lẽ dĩ nhiên, Tâm đẹp, dễ thương, rất vui tính và hiếu kỳ. Tâm líu lắc hỏi đủ mọi câu hỏi ngây thơ. Một đôi khi nàng tỏ ra thân mật còn vịn vai hoặc khoác tay Thiếu Uý Thành nữa. Thiếu uý ta sướng rên lên đi, Híhíhí, nhưng vẫn cố giữ tư cách. Xin nhắc, một trong những môn học tại trường Sĩ Quan Hải Quân là Bang Giao Quốc Tế, lý do là một sĩ quan hải quân khi tại một quốc gia không có liên hệ ngoại giao, sẽ đại diện quốc gia của mình như một viên chức ngoại giao. Trong môn học này có đề cập đến những vấn đề như thể thức, tư cách (etiquette) đi đứng, nhẩy đầm, tại bàn ăn hay đối đãi với phái nữ v.v... Bây giờ không còn thiếu uý trẻ vã lại đã quá lâu, nên tôi đôi lúc có hơi nham nhở. Hihíhí.
Khoảng một tuần sau, vào buổi chiều trước khi tàu rời bến, Tâm có đến thăm chiến hạm lần nữa, và chỉ đi một mình. Tôi bận công việc, có thoáng thấy bóng nàng nhưng không có dịp chào hỏi. Lòng thấp thỏm. Buổi ăn tối tôi lại không được gặp nàng vì có nàng là khách nên tôi phải dùng bữa tại phòng ngủ. Tiếc lắm. Từ đó tôi không gặp nàng nữa cho đến khi biến cố tháng Tư 75.
Sau chuyến về bến, tàu ra khơi, trực chỉ Trường Sa. Buổi ăn tối đầu tiên, nhân viên tiếp tân có dọn thêm một đĩa thịt kho nước dừa đặc biệt, ngoài những món thanh đạm thông thường. Hạm trưởng nói đây là của cô Tâm gửi cám ơn Thiếu Uý Thành hôm dẫn đi xem tàu. Mọi người ồ à thích thú. Có một viên trung uý hỏi cô Tâm có phải cô khách hôm qua. Hạm trưởng gật đầu và kể sơ lý lịch của nàng. Đại khái như còn là sinh viên, độc thân, chưa có người yêu v.v... Mọi người có đề tài mới để chọc ghẹo viên thiếu uý trẻ. Buổi ăn thật là vui vẻ mặc dù là ngày đầu tiên ra khơi sau một tuần trên bờ. Thiếu Uý Thành tuy ngoài mặt mắc cỡ nhưng trong lòng sung sướng như mở hội. Anh ta vui cả cuộc hải trình và mong ước tàu cập bến Bạch Đằng lại. Phải nói thêm, mặc dù Bộ Tư Lệnh Hạm Đội đặt căn cứ ở bến Bạch Đằng, nhưng không phải tàu tuần dương lúc nào cũng được cập ở đây sau những chuyến hải hành. Phần nhiều phải ở những bến khác như Đà Nẵng, Cam Ranh v.v... Gần cuối buổi cơm hạm trưởng có nói rằng ông ta có đề cập chuyện Thiếu Uý Thành với phu nhân và cô em vợ ở nhà. Cả hai chị em đều quả quyết cô Tâm chỉ lấy chồng hoặc SĨ hoặc SƯ, như là Bác Sĩ hay Kỹ Sư chẳng hạn, chứ không lấy chồng đi lính. Ông hạm trưởng có vẻ binh vực cho tôi, và cho chính binh chủng của ông, rằng: Thiếu Uý Thành là một sĩ quan tốt, trẻ và nhiều tương lai; anh ta cũng có một SĨ và hai SƯ vậy. SĨ QUAN này nhá với thêm VÕ SƯ và VŨ SƯ. Nói đến đây, lấy làm đắc ý câu diễu SĨ SƯ của mình ông cười ha hả. Mọi người hoà theo. Ông ta thuật lại rằng cô Tâm chỉ cười mỉm mà không trả lời. Nói đến đó ông ta chợt nhớ và bấm chuông gọi tiếp viên. Ông ra lệnh cho anh thuỷ thủ tiếp viên vào phòng lấy tập ảnh chụp hôm mọi người đi thăm tàu. Trong đó có một ảnh chụp bốn người: hai vợ chồng hạm trưởng, cô Tâm và tôi. Cô Tâm và Thiếu Uý Thành đứng cạnh nhau, trông cũng đẹp đôi ra phết. Híhíhí. Carré sĩ quan xem ai cũng đồng ý như vậy và khen rối rít. Tôi biết họ chọc quê tôi. Từ bữa cơm đó về sau không thấy ai nhắc đến chuyện này nữa cho đến mãi sau này.
Câu chuyện nhạt nhẽo chỉ có bấy nhiêu, sĩ và sư, nhưng tôi đang hứng và xin cho kể thêm. Cả chuyến hải trình chàng thiếu uý trẻ cứ mãi bận tâm về đĩa thịt kho. Chàng nghĩ mãi rằng, ai mà tặng thịt kho nước dừa nếu không có chút tình ý; thế là chàng cứ nuôi mộng và ráng tưởng nhớ đến dáng người, khuôn mặt, nét cười của cô Tâm. Khi đi ngủ chàng mơ đến cả cái vịn vai và khoác tay nữa. Thú vị lắm thôi. Thú thật với quý vị, cho đến ngày hôm nay, khi kiểm điểm lại, tôi vẫn cho khoảng thời gian đó là một trong những khoảng thời gian huy hoàng, hạnh phúc, thần tiên nhất trong đời. Ý tôi muốn nói không phải là lúc cùng với cô Tâm, mà là chuyến hải hành sau đó.
Hôm 30 tháng 4, 75, chiến hạm rời khơi Vũng Tàu đi Phi Luật Tân. Ngoài nhân viên trên tàu, tàu còn có chở theo khoảng trên dưới 100 người tị nạn, trong đó có gia đình ông hạm trưởng và cô Tâm. Lúc ấy Thiếu Uý Thành đang giữ chức sĩ quan nội vụ và rất bận bịu. Đại khái là có nhiệm vụ lo vấn đề nhân viên, khách trên tàu, miếng ăn, chỗ ngủ v.v... Ngày đầu tiên chàng thiếu uý trẻ và cô Tâm có trao đổi vài nụ cười và dăm câu xã giao. Chàng bận bịu với nhiệm vụ của mình, lại thêm đầu óc cứ còn nghĩ về di tản và gia đình ở lại, tuy nhiên chàng khôn dấu vẻ vui sướng vì gặp lại cô Tâm lần thứ hai, cho dù cả hai bên đâu đã có tình ý gì. Cô Tâm, theo ý chủ quan của Thiếu Uý Thành, thì cũng hơi để ý đến chàng ta. Cô vẫn thường quấn quít bên cạnh chàng luôn như chừng đã quen thân. Các sĩ quan độc thân khác, đùa hay thật không biết, nhưng tỏ vẻ ghanh ghét.
Tàu ngoài khơi hai đêm thì có nhiệm sở vận chuyển, cập vào một chiến hạm khác, HQ801, để lấy thêm nước ngọt. Đột nhiên từ tàu bên kia tiếng người kêu "chú Thành". Tôi ngoảnh lại thì ra người quen. Xin dấu tên, tạm gọi là Bé Oanh. Ở Saigon Bé Oanh là bạn học cùng lớp với một cô cháu họ của tôi. Ngày tôi còn ở Khoa Học mấy nàng chỉ mới đệ Tam, đệ Tứ. Tôi hay đưa đón cả nhóm bạn đi chơi thế nên họ gọi tôi bằng chú mặc dù tuổi không chênh lệch bao nhiêu. Đã từ lâu tôi không gặp Bé Oanh, mãi từ ngày tôi ra quân trường Nha Trang. Nay trên tay nàng bồng trên tay một bé trai kháu khỉnh. Tôi có hỏi chồng nàng đâu nhưng không nghe rõ câu trả lời vì quá ồn ào, thế rồi không để ý nữa. Tôi hỏi bé có muốn qua tàu bên này không. Lẽ dĩ nhiên hai mẹ con sẽ có cơ hội được săn sóc chu đáo hơn. Thế là hai mẹ con được chuyển qua HQ14. Cô Tâm không hiện diện trong thời điểm đó, và dường như tôi cũng chẳng để ý vì chỉ mừng vì được dịp giúp đỡ người quen.
Sáng sớm hôm sau Thiếu Uý Thành đang pha sữa cho cho con của Bé Oanh, thì cô Tâm bước vào phòng. Cả hai trao đổi câu chào hỏi. Cả hai vẫn vui vẻ. Nàng có hỏi tôi pha sữa cho ai. Tôi đáp pha sữa cho con của một người quen tị nạn trên tàu. Thế rồi thôi. Cả ngày Thiếu Uý Thành vẫn bận bịu công việc và cô Tâm thì ríu rít quanh quẩn gần đó.
Sáng hôm sau nữa Thiếu Uý Thành lại đun nước sôi và pha sữa. Cô Tâm lại hỏi. Lần này câu hỏi không phải là câu hỏi nữa mà là câu khẳng định: "Ba xã của Thiếu Uý dễ thương quá há!!!" Từ đó về sau trong cả cuộc hành trình đến Phi Luật Tân, nàng không một câ ? u nào với tôi nữa. Cũng không còn quấn quít lý lắc. Khi rời tàu lên trại, Thiếu Uý Thành chẳng được câu giã từ. Nàng không cho tôi đến nửa cơ hội để đính chánh. Thiếu Uý Thành (tị nạn) buồn cho một thời gian thật dài.